Ngày 1/12/2020, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua dự luật sửa đổi về Luật nghĩa vụ quân sự, cho phép hoãn gọi nhập ngũ đến năm 30 tuổi với những nhân vật ưu tú ở các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đại chúng, có đóng góp lớn vào việc nâng cao vị thế quốc gia trong và ngoài nước.
Trước đó, dự thảo Luật sửa đổi này đã được thông qua vào ngày 20/11/2020. Việc sửa đổi luật từng được đề xuất vào tháng 9/2020 sau khi BTS trở thành nhóm nhạc K-Pop đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng đĩa đơn Billboard Hot 100 của Mỹ với ca khúc Dynamite.
Theo đó, trong thời gian tới những nghệ sĩ hoạt động văn hóa nghệ thuật đại chúng được công nhận có đóng góp lớn, được đánh giá giúp quảng bá văn hóa Hàn Quốc ra thế giới như BTS có thể nộp đơn hoãn thực hiện nghĩa vụ đến năm 30 tuổi. Các thành viên BTS từng đoạt huân chương văn hóa của chính phủ năm 2018, đều thỏa mãn yêu cầu xin hoãn.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia có luật nghĩa vụ quân sự khắc nghiệt nhất thế giới. Ở Hàn Quốc, việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là giấy chứng nhận cho lòng yêu nước của mỗi công dân. Vì thế, hầu như tất cả nam thanh niên Hàn Quốc độ tuổi từ 18 – 35 đều phải dành một quãng thời gian tuổi trẻ của mình để thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Tiêu chuẩn miễn nghĩa vụ quân sự
Nếu như ở một số quốc gia, những người bình thường có thể được miễn giảm nghĩa vụ quân sự khi có lý do chính đáng, thì ở Hàn Quốc, không có ai có thể trốn tránh khỏi nhiệm vụ này. Thậm chí những người nổi tiếng cũng không được ưu tiên hơn người bình thường.
Nhiều nghệ sĩ trong giới giải trí đã mất cả sự nghiệp sau khi trở về từ nghĩa vụ quân sự bởi 2 năm là quãng thời gian đủ cho người hâm mộ có thể quên lãng đi các ngôi sao từng nổi tiếng của mình. Họ buộc phải chấp nhận điều này bởi nếu bị đánh giá về lòng yêu nước, lòng trung thành và trách nhiệm với tổ quốc, họ có thể còn nhận búa rìu dư luận còn tồi tệ hơn.
Ca sĩ Yoo Seung Jun (còn gọi là Steve Yoo) được xem là vết nhơ của showbiz Hàn. Năm 2002, ngay khi có lệnh nhập ngũ, giọng ca sinh năm 1976 tìm mọi cách chối bỏ tư cách công dân Hàn Quốc để nhập tịch Mỹ. Sự việc khiến anh bị cấm vĩnh viễn không được nhập cảnh trở lại vào Hàn Quốc.
Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc cũng đặt ra những ưu tiên đối với một số cá nhân có thể nhận được đặc quyền từ quân đội.
Cụ thể, lệnh miễn giảm nghĩa vụ quân sự được áp dụng những với vận động viên giành huy chương ở Olympic hoặc xếp hạng cao nhất trong một cuộc thi quốc tế với tối thiểu 15 nước tham gia.
Trong quá khứ, cầu thủ bóng đá Park Ji Sung từng cùng đội tuyển quốc gia Hàn Quốc lọt vào bán kết World Cup 2002 và đã được miễn nghĩa vụ quân sự.
Tiếp đến, cầu thủ Son Heung Min cùng đội tuyển bóng đá Hàn Quốc cũng tránh được 21 tháng nghĩa vụ quân sự nhờ chức vô địch tại ASIAD 2108.
Ngoài bóng đá, nhiều vận động viên ở các môn thể thao khác cũng được hưởng ưu tiên này như vận động viên cầu lông đoạt huy chương vàng Olympics 2008 Lee Yong Dae, hay vận động viên tennis Hyeon Chung – người đoạt huy chương vàng tại Á Vận hội Asiad 2014.
Có thể thấy, luật về nghĩa vụ quân sự của Hàn Quốc chỉ cho phép các vận động viên có thành tích tốt, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia được hưởng đặc quyền hoãn nhập ngũ tới năm 30 tuổi, còn ca sĩ, diễn viên vẫn bắt buộc phải đi thực hiện nghĩa vụ, chậm nhất là đến năm 28 tuổi.
Việc BTS liệu có nhập ngũ hay không luôn là một chủ đề nóng được nhiều người tranh luận trong suốt thời gian vừa qua. Có rất nhiều ý kiến cho rằng với đóng góp của các chàng trai cho Hàn Quốc đến hiện tại thì xứng đáng được miễn nghĩa vụ quân sự như các vận động viên thể thao.
“Huy chương vàng Olympic rất có giá trị nhưng BTS đã làm nhiều hơn thế để đất nước Hàn Quốc được thế giới biết đến”, “Bây giờ BTS là đẳng cấp thế giới, tôi không biết tại sao họ không được miễn trừ nhập ngũ”… là bình luận của cư dân mạng.
Tuy nhiên, theo như Cơ quan Quản lý Nhân lực quân đội (MMA) vào ngày 9/10/2020, họ không ủng hộ cho việc miễn nghĩa vụ quân sự với BTS để đảm bảo sự công bằng và bình đẳng. Trước đó, MMA cũng đã giữ im lặng về việc này trong một thời gian dài.
Trên thực tế, rất nhiều người nhận xét rằng khoảng thời gian hoạt động tích cực nhất của một nhóm nhạc thần tượng là từ cuối giai đoạn thiếu niên đến đầu tuổi 20. Dự luật hoãn nhập ngũ có thể là một kế hoạch tốt để giúp thúc đẩy làn sóng Hàn và uy tín quốc gia hơn là bắt buộc các nam ca sĩ phục vụ trong quân ngũ ở thời điểm sự nghiệp đang nở rộ.
Một bài toán khác đặt ra sau khi dự luật này được thông qua là đặt ra điều kiện tuyển chọn thật công bằng cho các nghệ sĩ văn hóa – âm nhạc thật nổi bật, những người hội tụ đủ điều kiện cho việc hoãn nhập ngũ.
Sức ảnh hưởng của BTS với Hàn Quốc ra sao
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc Do Jong Hwan cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ cho các nghệ sĩ như BTS, khi họ đã làm gia tăng giá trị thương hiệu của đất nước thông qua âm nhạc.
BTS đặc biệt nổi tiếng từ năm 2017 khi công bố ca khúc “Fake Love” vào tháng 5 cùng năm. Ngay lập tức, ca khúc này đã xếp vị trí thứ 10 trên Bảng xếp hạng tuần Billboard Hot 100, bảng xếp hạng âm nhạc uy tín của Mỹ, trở thành ca khúc K-Pop có thứ hạng cao nhất tại Mỹ.
Sự nổi tiếng của BTS còn được thể hiện qua số lượng lượt tìm kiếm trên Google, số lượt xem trên Youtube. Cụ thể, theo dữ liệu thống kê các xu thế của Google, từ khóa tìm kiếm về BTS liên tục tăng mạnh trên toàn cầu.
Tháng 5/2018, BTS đã làm nên lịch sử khi đứng thứ nhất tại bảng xếp hạng Billboard 200 của Mỹ. Đích thân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và Phủ Tổng thống đã lên tiếng chúc mừng thành tích của nhóm.
Không chỉ là một hiện tượng âm nhạc toàn cầu, BTS còn là biểu tượng cho tuổi trẻ và cảm xúc. Fan hâm mộ của BTS – ARMY chia sẻ rằng khi nghe nhạc BTS, họ cảm thấy được chữa lành vết thương tình cảm, tự hào về bản thân, về thành quả đã đạt được và những lo lắng ở tuổi trưởng thành cũng như được thấu hiểu và san sẻ.
Thứ tạo nên BTS và giúp nhóm trở nên nổi bật trong con mắt của người hâm mộ là những cảm xúc chân thực được thể hiện qua mọi góc độ, từ ca từ, những cuộc phỏng vấn, cho đến vlog cá nhân. Tất cả các thành viên BTS đều sáng tác nhạc và viết lời các ca khúc để chia sẻ những trải nghiệm của họ, truyền cảm hứng cho người hâm mộ trên toàn thế giới.
Câu chuyện của BTS là ví dụ điển hình cho cụm “from zero to hero”, khi một nhóm nhạc kém tiếng tăm đến từ một công ty giải trí từng suýt phá sản, vượt qua sự cạnh tranh đầy khốc liệt để trở thành một trong những cái tên kiếm tiền kinh khủng nhất làng giải trí Hàn Quốc. Ngoài ra, họ góp phần nâng tầm âm nhạc của người Hàn ra phạm vi toàn thế giới.
Đặc biệt, theo báo cáo từ Viện Nghiên cứu Hyundai, trong năm 2019 BTS đã mang về cho nền kinh tế Hàn Quốc 4,65 tỉ USD (khoảng 5,6 ngàn tỉ KRW) thông qua doanh số album, vé concert, và tiền quảng cáo. Giá trị của BTS hiện tại chiếm 0,3% tổng GDP của Hàn Quốc, và BTS dự tính hướng đến con số doanh thu 48 tỉ USD vào năm 2023.
Chỉ vậy thôi có lẽ đã đủ để cho thấy tầm ảnh hưởng của BTS trong thế kỷ 21 là như thế nào, khi họ đạt được những điều mà chỉ một số ít các siêu sao phương Tây mới có thể chạm tới.