Chương 5: Bước Ra Khỏi Bốn Sai Lầm Lớn Trong Cách Thương Yêu Con
Có một câu nhận xét về các bậc phụ huynh Trung Quốc như thế này: Họ yêu con đến mức không biết cách yêu con.
Phần lớn phụ huynh Trung Quốc đều biết chiều con là có hại, nhưng họ không hiểu được thế nào là nuông chiều, càng không biết được có phải bản thân mình đang nuông chiều con hay không. Có thể giải thích như sau, trong từ điển tiếng Trung: “nịch” nghĩa là “chìm”. Người chết vì bị chìm dưới nước gọi là “chết chìm”, còn nếu tình yêu của cha mẹ tuôn chảy tràn lan, nhấn chìm con cái mình bên trong, thì đó gọi là nuông chiều. Nuông chiều là một loại tình yêu để lại hậu họa khôn lường, khiến con cái của chúng ta nếu không thua ở vạch xuất phát, cũng sẽ thua ở vạch về đích!
Tờ Liên hiệp buổi sáng của Singapore từng đăng một bài viết nói rằng: Hơn 65% gia đình Trung Quốc tồn tại hiện tượng “già nuôi trẻ”, những đứa con xấp xỉ ba mươi tuổi vẫn trông cậy vào sự cung dưỡng của cha mẹ già. Chẳng trách không ít người hô hào: Đề cao cảnh giác với hiện tượng nhiều năm gần đây: “Nuôi con phòng lúc tuổi già”, hóa ra lại thành “nuôi con ăn bám thân già”!
Bài báo kết thúc bằng một câu: Con cái “một là vẫn đang thất nghiệp, hai là bòn rút cha mẹ, ba là cơm no ba bữa, bốn là tứ chi mềm nhũn, năm là ngũ quan ngay ngắn, sáu là bất nhận lục thân, bảy là buông thả bảy phần, tám là tiêu dao tám hướng, chín là ngồi lâu bất động và mười là hết sức vô dụng.”
Không có người bất hạnh, chỉ có sự giáo dục bất hạnh. Không có đứa con bất hiếu, chỉ có đứa con không may tiếp nhận phải một phương pháp giáo dục khiến chúng dần trở nên bất hiếu. Tôi từng gặp nhiều phụ huynh yêu thương con cái hết lòng, nhưng đáp lại, những gì họ nhận được thì rất ít: Con cái không nghe lời cha mẹ, không hiểu cha mẹ, có khi còn là tiểu hôn quân, manh nha ăn bám. Khi nhìn thấu sự việc, chúng ta sẽ nhận ra nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này không phải là do con cái mà là ở cha mẹ. Cha mẹ rơi vào sai lầm trong vầng sáng yêu thương vĩ đại, họ đã vô tình tặng con một món quà đáng sợ nhất. Vậy nên, làm sao thoát khỏi sai lầm này là một đề tài và thử thách mới đối với tất cả các bậc cha mẹ Trung Quốc trong thời đại mới.
Sai lầm thứ nhất: Giáo dục tố chất khác với giáo dục nghệ thuật
Biểu hiện: Những năm gần đây, Trung Quốc thịnh hành phong trào “giáo dục tố chất”, tiếc là những vị phụ huynh chưa có chủ kiến lại đánh đồng âm nhạc, mỹ thuật, võ thuật, vũ đạo, thư pháp vào nội dung chủ yếu của giáo dục tố chất. Họ hoàn toàn coi nhẹ kỹ năng đối nhân xử thế, xác lập giá trị, phẩm chất đạo đức, sự hiểu biết về mối tương quan giữa tri thức và nghề nghiệp, lý tưởng sống cùng với khả năng thay đổi thực tiễn của con em mình. Đó mới thật sự là nội hàm của “giáo dục tố chất”, đồng thời cũng là tố chất cần thiết để con trẻ thi thố ngoài xã hội. Còn các trường trọng điểm hay các lớp phụ đạo cao cấp đều không có nghĩa vụ và cũng không có thời gian và công sức đâu để đào tạo những tố chất này cho bọn trẻ, chỉ có đôi bàn tay đưa nôi của người cha người mẹ mới có thể đem đến cho con món quà trưởng thành.
Thiếu sót: Điểm số tốt = trường học tốt, trường học tốt = tấm bằng đẹp, tấm bằng đẹp = công việc tốt, nhưng công việc tốt ≠ sự nghiệp thành công. Khi con còn nhỏ, thành tích học tập tốt chứng minh nó là học sinh giỏi, nhưng khi con trưởng thành, phải rời xa mái trường, bước vào môi trường thực tế cạnh tranh toàn cầu hóa, nó sẽ bộc lộ khuyết điểm. Xã hội hậu công nghiệp đòi hỏi nhân tài phải có các loại kỹ năng sinh tồn như, kỹ năng quản lý tài sản, kỹ năng vượt khó, kỹ năng quản lý… Nếu con cái kết thúc thời sinh viên mà vẫn chưa trang bị được những kỹ năng trên thì thật đáng tiếc. Nhiều người tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ tại những trường đại học danh giá, đến khi ra khỏi cổng trường vẫn không biết cách làm sao để kiếm sống, thậm chí còn lo lắng cho tiền đồ của mình thì nói gì đến chuyện thành gia lập nghiệp. Kết quả, người Trung Quốc nuôi con phòng lúc tuổi già, hóa ra lại là nuôi con ăn bám thân già.
Sai lầm thứ hai: Đáp ứng mọi đòi hỏi của con
Biểu hiện: Biểu hiện chủ yếu là bề trên nuông chiều con trẻ cả về vật chất lẫn tình cảm. Cha mẹ như một cái máy in tiền. Con thích gì cho nấy, muốn tiền cho tiền, muốn đồ đạc cho đồ đạc. Cho càng nhiều càng thể hiện rằng tôi yêu con sâu sắc. Điều này trực tiếp dẫn đến thói được voi đòi tiên ở tuổi vị thành niên và thanh thiếu niên. Một đứa trẻ bốn tuổi mặc áo khoác hiệu Micky, áo phông hiệu Bobdog, quần Les Enphants và giày Adidas, cả bộ không dưới một ngàn tệ. Vậy chẳng phải cha mẹ đã biến thành “nô lệ của con”, còn con trở thành kẻ “ăn bám cha mẹ” hay sao.
Thiếu sót: Những suy nghĩ lệch lạc đại thể như “lộc của bố của mẹ”, “tiền là do ngân hàng phát cho” không phải là điều đáng buồn về suy nghĩ của con trẻ, mà là điều đáng buồn cho phương pháp giáo dục của các bậc cha mẹ Trung Quốc. Những đứa con không biết cách tự thân kiếm tiền, không biết giá trị của sức lao động sẽ có thói quen ham ăn biếng làm, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống tương lai, thậm chí cả cuộc sống hôn nhân sau này của chúng.
Rất nhiều phụ huynh Trung Quốc cho rằng, dạy con không coi trọng đồng tiền là một phẩm chất đạo đức tốt. Không sai, chỉ có điều mục đích cơ bản của phương pháp giáo dục con cái không coi trọng đồng tiền là giảm bớt những ảo mộng hão huyền của con đối với tiền bạc, chứ không phải bảo con phớt lờ đồng tiền để rồi tiêu tiền như nước, ngồi không hưởng lộc, và trở thành một thành phần tiêu biểu cho “thế hệ ăn bám”.
Hơn nữa, cha mẹ thỏa mãn tức thời, thỏa mãn quá mức các yêu cầu của con cái sẽ dễ tạo ra một tính cách ích kỷ, thích làm theo ý mình, phóng khoáng tùy tiện, tâm trạng bất ổn, ít có cảm giác an toàn, chỉ số AQ thấp, thiếu lòng biết ơn ở con trẻ.
Sai lầm thứ ba: Biết yêu mà không biết dạy
Biểu hiện: Tình yêu thương dành cho con cái xuất phát từ bản năng làm cha, làm mẹ của mỗi người. Nhưng, yêu con không phải là cái đích cuối cùng của giáo dục gia đình, yêu mà không biết dạy chỉ làm con thêm hư. Các bậc cha mẹ Trung Quốc ngày nay liệu đã thấm nhuần câu gia huấn “yêu mà biết dạy” hay chưa? Phải nói rằng, việc giáo dục hiện nay đã được coi trọng hơn ngày trước rất nhiều, nhưng chúng ta vẫn chưa hiểu hết được ý nghĩa sâu xa của câu “yêu mà biết dạy”. Yêu mà biết dạy, là sự giáo dục nền nếp từ gia đình, nói ngắn gọn là giáo dục tố chất con cái một cách nghiêm túc và thận trọng ngay từ đầu, chứ không chỉ dạy chúng âm nhạc, hội họa, thư pháp, Taekwondo, IQ, tiếng Anh hay Olympic toán học.
Ngày nay, chúng ta thường xuyên bắt gặp cảnh tượng này trong cuộc sống thực tế: Ông bà hoặc cha mẹ bưng bát cơm đuổi theo đứa trẻ để bón cơm, cháu bé cầm đồ chơi trong tay, ngúng nguẩy ăn được miếng cơm lại quay sang chơi một lúc, chạy quanh một vòng, rồi mới chịu ăn thêm miếng nữa. Đến lúc cơm canh nguội ngắt, vẫn còn quá nửa bát. Phụ huynh cảm thấy vô cùng xót con, vì “bảo bối’’ của mình vẫn chưa ăn no.
Thiếu sót: Phụ huynh không đưa con vào khuôn khổ một cách sáng suốt. Người lớn trong nhà đều tranh nhau dành tình cảm cho trẻ, chỉ lo nó không vui, bị tủi thân song lại xao nhãng việc giáo dục con em mình một cách nghiêm túc ngay từ khi chúng còn nhỏ. Điều đó giải thích những gia đình này vẫn không tài nào hiểu được tại sao họ nuôi dạy con bằng tất cả tình thương và tâm huyết như vậy, mà đến một ngày họ ngỡ ngàng nhận ra đứa con trở nên xa lạ, hỗn láo và không hiểu cha mẹ. Bạn càng nhân nhượng và nhẫn nại với con một cách vô nguyên tắc, thì nó càng khéo léo lợi dụng tình cảm của bạn, và cuối cùng “bắt được thóp” của bạn.
Sai lầm thứ tư: Chăm sóc quá mức (Over–arranged), quan tâm ép buộc, lo lắng quá mức (Overzealous)
Biểu hiện: Các ông bố bà mẹ can thiệp quá sâu vào cuộc sống của con, bay lượn trên vùng trời mà không quan tâm đến suy nghĩ của chúng. Các bà mẹ “quan tâm một cách áp đặt”, phản đối bất kỳ ý kiến trái chiều nào, họ cho rằng họ là người gần gũi con nhất, đương nhiên phải là người hiểu con nhất. Từ lựa chọn quần áo, khẩu vị ăn vặt đến việc kết hợp thực đơn, từ sắp xếp lịch học âm nhạc, hội họa, thể dục đến vấn đề vui chơi, kết bạn, thậm chí cả mục tiêu sống, lựa chọn hướng đi, tất cả đều phải do một tay người mẹ quản lý và định hướng.
Ngoài ra, các bà mẹ “trực thăng” này còn có xu hướng nảy sinh những cảm xúc tiêu cực như vui mừng, đau buồn thái quá chỉ vì một chút thành công hay thất bại của lũ trẻ. Họ bay càng nhanh, quản càng chặt, một khi giảm tốc độ, họ sẽ phá hủy cuộc đời của mình và cả con cái mình.
Thiếu sót: Đây thực chất cũng là một dạng xâm phạm tâm hồn và xem thường nhu cầu trưởng thành của con cái, gián tiếp làm suy giảm khả năng miễn dịch, khả năng tự lo liệu và thích nghi của chúng. Và ngược lại, khi con trẻ trở nên khó thích nghi với cuộc sống, phụ huynh lại càng bao bọc thêm. Cứ tiếp diễn như vậy trong một thời gian dài, mọi chuyện sẽ dần chuyển biến xấu, con trẻ thiếu đi đức tính độc lập, kiên nhẫn, khả năng chịu đựng và khó có ý thức. Đến khi lớn hơn, những khuyết điểm này của đứa trẻ ngày càng bộc lộ rõ, khiến phụ huynh lúc nào cũng điên đầu trách mắng: “Con xem con đi, lớn như thế rồi mà vẫn không hiểu chuyện, còn phải để mẹ nhọc lòng lo nghĩ. Thật làm mẹ tức chết!” Rồi đâu lại vào đấy, các bà mẹ vẫn ra sức bao bọc con. Phụ huynh chịu vất cả dưới danh nghĩa của tình yêu thương, nhưng rồi lại nhận về những sự bực dọc và cả những nỗi lo lắng mơ hồ đang ngày càng hiển hiện.
Việc chăm sóc con cái một cách quá mức chỉ thể hiện rằng người mẹ không nắm bắt được tâm lý của con, dẫn đến hệ quả vô cùng nguy hại. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy: Phong cách giáo dục chăm sóc trẻ quá mức sẽ tạo thành dị tật, ích kỷ, nổi loạn, yếu kém trong tâm lý của trẻ, khả năng tự lo liệu thấp, dễ hình thành tính ỷ lại, kỹ năng giao tiếp kém, vừa thiếu tinh thần hợp tác vừa thiếu năng lực cạnh tranh. Khi gặp chuyện không vừa ý trong cuộc sống hoặc trải qua nghịch cảnh khó khăn, bản thân đứa trẻ không biết làm thế nào, không thể tự nghĩ cách giải quyết, chỉ biết đi cầu viện cha mẹ hoặc than thân trách phận.
Không phải tất cả các gia đình Trung Quốc đều hoàn toàn giống với những ví dụ kể trên, nhưng mỗi gia đình dù ít hay nhiều đều mắc phải những sai lầm này, cho dù ở mức độ nhẹ, chúng ta cũng cần lưu tâm cảnh giác.
Tôi nhận ra rằng, tất cả những sự thỏa mãn, quan tâm, lo lắng và yêu thương đều phảng phất hương thơm của sự hy sinh cao cả, vì xét từ phương diện biểu hiện, cha mẹ sa vào sai lầm là do họ hy sinh bản thân để thỏa mãn yêu cầu của con. Nhưng xét trên thực tế, một khi tình yêu thương của cha mẹ hủy hoại tương lai của con cái, thì tất cả những sự hy sinh của họ đến cuối cùng cũng chỉ là công dã tràng mà thôi.
Người đời luôn ca ngợi tình thân máu mủ ruột thịt, các bậc phụ mẫu sẽ luôn ở bên con cái, bất kể hạnh phúc hay đau khổ, giàu sang hay hoạn nạn. Như Maksim Gorky đã từng nói: “Sinh con là việc ngay cả gà mái cũng làm được, nhưng yêu con lại là việc khác.’’ Khi tình thân đã được nhân loại trao trên mình sứ mệnh giáo dục, mà các bậc cha mẹ vẫn chỉ biết dành cho con đong đầy tình yêu thương thôi thì hoàn toàn chưa đủ, họ cần phải nắm bắt quan điểm khoa học, nắm bắt nghệ thuật để yêu thương con. Khi cha mẹ sử dụng những quan niệm và phương pháp giáo dục không hợp lý, kết quả nhận được từ đứa con sẽ hoàn toàn đi ngược lại mong đợi của họ.
Tầm quan trọng của giáo dục gia đình có tác động vô cùng sâu rộng trên toàn cầu, trong hàng ngàn các công việc khác nhau, nuôi dạy con cái là công việc quan trọng nhất và có nhiều thử thách nhất. Hiện tại, môn giáo dục học rất chú trọng vào giáo dục gia đình. Ở phần trước, tôi đã đề cập đến những điểm tương đồng giữa truyền thống giáo dục gia đình của người Do Thái và truyền thống giáo dục gia đình của người Trung Quốc, cách dạy con của các gia đình thuộc tầng lớp Do Thái trung lưu lại nhằm mục đích làm sao để biến tình mẫu tử thành ngọn lửa, phát huy nhân tố giáo dục có lợi, từ đó diễn giải thành một cuốn cẩm nang hữu hiệu về cách thể hiện tình yêu thương đối với con cái, và truyền lại nó cho đời sau. Vậy cuốn cẩm nang đó là gì? Tôi xin được tóm lược nó bằng tám chữ: Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương!
One thought on “Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương (chương 5)”