Chương 2: Tôi Từng Là Một Bà Mẹ Trung Quốc Điển Hình
Tôi từng là một bà mẹ Trung Quốc điển hình, hôn nhân đem đến cho tôi nhiều hy vọng và mong ước, khi ấy tôi như người đứng ở bờ biển ngắm mặt trời mọc từ đường chân trời. Mười giờ ba mươi phút trưa ngày 24 tháng 1 năm 1978, Dĩ Hoa, cậu con trai đầu lòng của tôi chào đời. Khi tôi biết một sinh mệnh vừa đến với mình, cả tâm hồn tôi ngập tràn trong hạnh phúc, xúc động và mơ ước. Ông trời ban cho tôi một món quà tuyệt vời, tôi thầm cầu nguyện: “Xin ngài hãy ban cho con trai con sức khỏe, niềm vui.” Tôi đặt tên thằng bé là Dĩ Hoa, ngụ ý dòng máu chảy trong người nó là của Trung Quốc và Israel.
Thật trùng hợp, mười bốn năm sau, vào đúng ngày 24 tháng 1, Trung Quốc và Israel thiết lập quan hệ ngoại giao. Người Do Thái có câu nói rất hay: “Bất cứ thứ gì Đức Chúa Trời ban cho bạn đều là phước lành.”
Sau Dĩ Hoa, con trai Huy Huy và con gái Muội Muội của tôi lần lượt chào đời. Các bà mẹ trên thế giới yêu thương con bao nhiêu? Họ có thể hy sinh cho con bao nhiêu? Đó là những câu hỏi không bao giờ có lời giải đáp. Tôi thầm quyết tâm, nhất định phải dùng cả cuộc đời sưởi ấm ba đứa con, nhất định phải dốc toàn bộ tâm huyết vào các con, tạo sức mạnh cho các con.
Thuở nhỏ, cha kể cho tôi nghe câu chuyện: Mỗi cô gái đều là một thiên thần tự làm gãy đôi cánh của mình để đến bên hoàng tử mà cô yêu quý. Nếu một ngày nào đó hoàng tử không còn yêu cô nữa thì cô cũng không thể trở về bầu trời, vì cô đã là thiên thần gãy cánh.
Năm 1992, tôi chấm dứt cuộc hôn nhân không mấy hạnh phúc của mình, mang ba đứa con về Israel, bắt đầu cuộc sống mới. Lúc đó, đứa con lớn nhất của tôi mười bốn tuổi, còn đứa nhỏ nhất mới ba tuổi. Làm sao cho ba đứa trẻ lớn lên một cách toàn diện trong một gia đình không hoàn chỉnh là vấn đề quan trọng nhất trước mắt, vì vậy tôi không để những bất hạnh trong hôn nhân ảnh hưởng tới sự trưởng thành của các con.
Trước khi tới Israel, cách yêu con của tôi giống như phần lớn các bậc cha mẹ Trung Quốc, trước sau luôn tuân theo nguyên tắc, mình có khổ thế khổ nữa cũng không được để cho con cái khổ. Khi mới di cư về Israel, tôi vẫn là bà mẹ 100 điểm trước đây. Các con của tôi không phải gấp chăn, không phải đun nước, càng không phải nấu cơm vì đã có tôi là “nồi cơm điện”, là “máy giặt”, là “cần cẩu” của chúng. Đi học về, buông cặp sách ra là bọn trẻ ngồi ngay vào bàn học, bất luận bận rộn, mệt mỏi đến đâu, tôi cũng không khiến chúng động tay vào việc nhà, thành tích học tập của chúng là hy vọng màu xanh của tôi.
Những ngày đầu tại Israel, cuộc sống của mẹ con tôi gặp nhiều khó khăn hơn những gì tôi tưởng.
Thủ tướng Rabin có cảm tình với Thượng Hải, biết tôi di cư từ Trung Quốc về, lại từng ở Thượng Hải nên ông rất muốn gặp tôi.
Khi được diện kiến Thủ tướng, tôi rất rụt rè, e ngại. Ông không biết tôi biết tiếng Hebrew nên nói chuyện với tôi bằng tiếng Anh: “Chị có bất cứ vấn đề gì thì cứ đến tìm tôi, tôi sẽ cố gắng hết sức để giúp chị.” Tôi đáp lại bằng tiếng Hebrew: “Tôi không cần ngài giúp đỡ, tự tôi cũng có tay.” “Ồ! Chị thật giỏi!”– Thủ tướng ngạc nhiên. Quả thật, trong suốt thời gian sau này ở Israel, tôi chưa bao giờ nhờ cậy sự giúp đỡ của ai.
Tôi kiên trì, từng bước vượt lên khó khăn. Trước tiên, tôi khắc phục những vấn đề về ngôn ngữ. Bốn mươi hai tuổi, tôi khổ công học tiếng Hebrew, tôi chuyên tìm người già nói chuyện, vì họ nhàn rỗi lại sợ cô đơn, nói chuyện cùng họ giúp tôi luyện khẩu ngữ rất tốt. Chưa đến nửa năm, tôi đã nắm được những từ ngữ thường được sử dụng trong tiếng Hebrew. Không những vậy, trong thời gian ngắn học tiếng Hebrew, tôi còn học nhiều tiếng địa phương, tiếng Tứ Xuyên, tiếng Quảng Đông, tiếng Tô Bắc, tiếng Ninh Ba, tôi đều có thể nói lưu loát. Kỹ năng học ngôn ngữ của tôi là tự mình rèn luyện. Ví dụ, khi cần mua muối, tôi hỏi hàng xóm từ “muối” nói như thế nào, sau đó tôi vừa đi vừa lẩm nhẩm đọc cho tới cửa hàng bán muối.
Sau khi thông thạo ngôn ngữ, tôi bắt đầu nghĩ cách tăng thu nhập cho gia đình. Tôi chợt nhớ tới cách người ta làm bánh đa nem trong chợ thực phẩm ở Thượng Hải, thế là tôi tự lần mò hòa bột làm bánh đa nem. Sau khi làm hỏng đến bốn năm cân bột mì, cuối cùng tôi cũng làm ra chiếc bánh đa nem đầu tiên. Lúc đó tôi mừng đến rớt nước mắt, bởi ước muốn lớn nhất của tôi là nỗ lực kiếm tiền nuôi các con ăn học để cho chúng lớn lên trong vui vẻ.
Cuộc sống mỗi ngày của chúng tôi trôi qua như sau: Buổi sáng, tôi đưa bọn trẻ tới trường học trước, sau đó tôi ra cửa hàng bán nem rán. Buổi chiều tan học, bọn trẻ tới cửa hàng tìm tôi. Tôi sắp xếp cho chúng ổn thỏa, đợi đến giờ ăn, tôi đóng cửa hàng lại, nấu hoành thánh, mì sợi và sủi cảo cho các con trên cái bếp lò nhỏ. Buổi tối, sau một ngày làm việc mệt mỏi, tôi chong đèn dùng tranh chữ tự chế, dạy các con tiếng Hebrew. Tất cả mọi việc trong nhà từ A đến Z đều do tôi bao trọn, còn bọn trẻ chỉ có nhiệm vụ học tập.
Ở Israel, từ tháng mười một hằng năm đến tháng tư năm sau là mùa mưa, có khi mưa tầm tã cả tháng trời. Hồi mới về Israel, vì chưa có tiền mua xe, mà cũng không biết mua giày đi mưa ở đâu nên bọn trẻ phải đi giày thể thao. Tôi sợ chúng đi giày ướt đến trường sẽ bị ốm, nên ngày nào tôi cũng che ô đưa Dĩ Hoa và Huy Huy đến trường ngôn ngữ. Ở trước cửa lớp học, tôi cởi đôi giày ướt chúng đang đi, bỏ vào túi nilong, sau đó lấy từ trong túi xách ra đôi giày khô đã được chuẩn bị trước, chúng luân phiên bấu vào vai tôi, thay giày khô rồi vào lớp học.
Sau khi nhìn bọn trẻ đi vào lớp học, tôi lại cầm đôi giày ướt nhách vội vã chạy về nhà. Mùa mưa kéo dài, thường không biết đến khi nào mới kết thúc, ngày nào tôi cũng lặp đi lặp lại chuỗi hoạt động mang giày khô cho các con đi học, rồi lại trở về nhà lấy máy sấy tóc sấy khô đôi giày ướt, vì hôm sau bọn trẻ lại cần đi.
Dù mệt mỏi nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc. Các bậc cha mẹ Trung Quốc là những người yêu con nhất nhì trên thế giới. Từ khi con cái vào nhà trẻ, tiểu học, trung học, đại học, đến khi tìm việc, kết hôn, sinh con, không lúc nào là cha mẹ không lo lắng cho các con, cho dù con cái có làm họ đau lòng thì họ cũng không một lời oán thán.
One thought on “Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương (chương 2)”