Ở tuổi 59, vợ chồng ông Nguyễn Hữu Thọ (TP. Long Xuyên, An Giang) đã rủ nhau lên TP.HCM mở quán cơm tấm chuẩn vị miền Tây, khiến nhiều thực khách mê mẩn.
Tuy vừa mở chưa đầy một năm nhưng quán cơm Miền Tây của ông bà vẫn trụ được qua mùa dịch covιᴅ-19 bởi bí quyết riêng. Quán ăn là điểm đến lý tưởng cho những người muốn thưởng thức đặc trưng của ẩm thực miền Tây, đặc biệt là ẩm thực An Giang.
Con trai là động lực to lớn
Dù gia đình có truyền thống bán cơm tấm tại Long Xuyên gần 23 năm, tuy nhiên vợ chồng ông Nguyễn Hữu Thọ lại không chọn nối nghiệp gia đình mà làm nhiều nghề khác nhau để mưu sinh.
Tâm sự với PV Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Thanh Ngân (59 tuổi, vợ ông Thọ) cho biết gia đình bà là chủ của thương hiệu cơm tấm Tư Ẩn nổi tiếng tại An Giang. Nhà có 10 anh chị em, trong đó, nhiều người đã mở các quán cơm mang thương hiệu này tại TP. Long Xuyên. Lúc còn trẻ, ông bà làm rất nhiều nghề để kiếm sống, tích cóp được một số vốn để an dưỡng tuổi già.
“Tuy nhiên, do công việc kinh doanh tại quê gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế gia đình. Cùng lúc đó, con trai của vợ chồng tôi vừa đỗ Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nên hai vợ chồng đã quyết định từ Long Xuyên lặn lội lên Sài Gòn khởi nghiệp bằng món cơm tấm truyền thống của gia đình. Một mặt là để có tiền nuôi con ăn học, một mặt là để được gần gũi với con”, bà Thanh Ngân kể lại.
Ông bà cho biết con trai chính là động lực lớn nhất để họ rời khỏi nơi đã sống quen thuộc hơn nửa đời người, bắt đầu lại ở một nơi hoàn toàn xa lạ. Với họ, ở đâu có con trai thì ở đó là nhà. Những ngày đầu mở bán, quán khá vắng khách. Nhưng vì con trai, hai ông bà vẫn quyết định bám trụ và quán ăn dần có được một lượng khách ổn định, trụ vững giữa dịch covιᴅ-19.
Bạn Nguyễn Hữu Thắng (19 tuổi, con trai của vợ chồng ông Thọ) chia sẻ: “Khi biết ba mẹ sẽ cùng tôi lên Sài Gòn để mở quán cơm và nuôi mình ăn học, tôi thực sự cảm thấy rất xúc động, vừa vui nhưng cũng vừa lo lắng. Vui vì có ba mẹ đồng hành trong những giai đoạn quan trọng của cuộc đời nhưng bản thân cũng rất lo lắng cho sức khỏe của ba mẹ vì đã lớn tuổi rồi. Tôi chỉ mong sao ba mẹ có thể giữ gìn sức khỏe thật tốt. Sự hy sinh của họ chính là động lực để tôi cố gắng từng ngày trong học tập, để thành công, không phụ công ơn của ba mẹ”.
Mỗi ngày sau giờ học Hữu Thắng đều phụ ba mẹ bán cơm. Với vợ chồng ông Thọ, sự chăm chỉ của con trai trong học tập cũng như trong việc phụ giúp tại quán ăn khiến họ cảm thấy tự hào và ấm lòng.
Bí quyết gia truyền
Lớn lên trong một gia đình có truyền thống bán cơm tấm, bà Nguyễn Thị Thanh Ngân được học nhiều bí quyết để nấu được món cơm chuẩn vị miền Tây.
Quán ăn của bà là chi nhánh duy nhất tại TP.HCM của quán cơm tấm Tư Ẩn nổi tiếng khắp An Giang hàng chục năm nay. Khác với các quán cơm tấm tại TP.HCM cũng như tại quê nhà, món cơm của bà đặc biệt bởi nước thịt khìa được chuẩn bị theo công thức gia truyền. Ngoài ra, thịt heo khìa và trứng vịt khìa của quán cũng có một hương vị rất riêng.
“Chính nước thịt khìa là điều khác biệt trong món ăn của quán chúng tôi”, bà Thanh Ngân nói.
Bạn Đặng Hoàng Duy (20 tuổi, Q. Thủ Đức) cho biết, bạn là khách hàng thân thiết của quán. Hầu như tuần nào Duy cũng đến quán ăn 3-4 lần. Duy biết đến quán thông qua lời giới thiệu của một người bạn và ăn một lần thấy hợp khẩu vị nên quyết định gắn bó lâu dài.
“Mình quê ở An Giang nên món cơm ở đây rất hợp khẩu vị với mình. Ăn món cơm tấm mà cô nấu, mình cảm thấy thân thuộc như chính mẹ mình nấu vậy. Mình không thể nào nhớ được mình đã ăn tại quán này bao nhiêu lần rồi”, Duy cho biết thêm.
Đoàn Lê Khoa (19 tuổi, Q. Thủ Đức) kể bạn là người Đà Lạt nên ban đầu rất ngại những món miền Tây vì nghe đồn các món ăn đều rất ngọt, sợ không hợp khẩu vị. Tuy nhiên, món cơm tại quán này lại rất hợp với Khoa. Đặc biệt, bạn rất thích nước khìa trong món ăn vì nó rất vừa miệng.
Ông Nguyễn Hữu Thọ tâm sự, có hôm quán đông khách đến mức không có chỗ ngồi, rất nhiều người phải chờ đến lượt mình để có thể thưởng thức được món ăn.
“Có một cháu sinh viên thường tới quán của chúng tôi ăn. Trong 10 ngày liền, ngày nào cháu đó cũng gọi 2 dĩa cơm, rồi thêm cơm thêm thì ăn mới no. Thấy món ăn của mình được mọi người đón nhận, vợ chồng tôi thấy hạnh phúc lắm”, ông Thọ vui vẻ kể lại.
Lần đầu tiên được thưởng thức món cơm tấm tại quán, bạn Vũ Nguyễn Thanh Tùng (20 tuổi, Bình Dương) cho biết bạn chọn vào quán vì cảm thấy quán ăn rất sạch sẽ. Tùng cũng muốn nếm thử xem cơm tấm ở đây có giống với món cơm bạn đã từng ăn ở An Giang hay không.
“Quán gây ấn tượng với mình không chỉ ở đồ ăn ngon, lạ miệng mà còn ở sự nhiệt tình và chu đáo của cô chú. Chắc chắn mình sẽ quay lại một lần nữa”, Tùng tâm sự.
Trong chuyến công tác tại TP.HCM, ông Nguyễn Trọng Hiếu (48 tuổi, quê An Giang) rất vui khi tìm thấy món ăn quê hương tại đây. Thưởng thức món ăn, ông không những thấy được hương vị quen thuộc của quê nhà mà còn thấy tự hào khi món ăn của quê mình được quảng bá tại một thành phố lớn và được nhiều người biết tới.
Hạnh phúc tuổi xế chiều
“Tôi quen vợ mình lúc bà ấy còn là học sinh cấp 3, còn tôi thì đã nghỉ học. Quen nhau được 5 năm thì tôi với bà ấy cưới nhau, tính đến giờ cũng gần 35 năm rồi. Hai vợ chồng tôi trải qua bao thăng trầm vẫn ở bên nhau, vắng nhau là cứ thấy không quen”, ông Thọ bồi hồi nhớ lại.
Vợ chồng ông Nguyễn Hữu Thọ hoàn toàn hài lòng với cuộc sống hiện tại. Họ được làm việc, được ở gần chăm sóc con cái và được gặp gỡ nhiều người mỗi ngày. Với hai người, ở tuổi 60 vẫn chưa bao giờ là quá muộn để khởi nghiệp, để bắt đầu làm một điều gì đó.
Mỗi ngày, ông bà đều cùng nhau thức dậy từ rất sớm để chuẩn bị. Bà Ngân đi chợ, nấu ăn. Ông Thọ dọn dẹp lại quán, rửa bát. “Công việc hằng ngày của chúng tôi khá nhiều nhưng tôi và ông ấy luôn cảm thấy hạnh phúc vì chúng tôi luôn có nhau”, bà Ngân tâm sự.
Với ông Nguyễn Hữu Thọ, hạnh phúc của ông là mỗi ngày đều nhìn thấy vợ luôn khỏe mạnh, con cái chăm chỉ học hành. Chỉ cần có vợ ở bên cạnh thì dù ở quê hay ở một nơi xa lạ ông vẫn cảm thấy thoải mái.
“Mỗi buổi sáng được bà ấy hỏi anh ăn gì không để em mua là tôi đã cảm thấy rất hạnh phúc rồi”, ông Thọ trìu mến chia sẻ.
Nguồn: Thanh Niên