Sau 3 ngày nghỉ lễ Tết Dương lịch, ngay từ đầu giờ chiều ngày 3/1, người dân tại các tỉnh, thành bắt đầu đổ về Hà Nội để chuẩn bị cho ngày làm việc tuần tới.
Tại một số tuyến đường quanh khu vực bến xe ùn tắc cục bộ, ken cứng người và lượng phương tiện. Các cửa ngõ Thủ đô và trong bến xe, nhiều người tỏ vẻ mệt mỏi sau hành trình từ quê nhà lên Hà Nội.
Sau bữa cơm trưa, anh Trần Lê Quốc Thắng (phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình) được người nhà chở ra bến xe để lên Hà Nội. Khi tới bến, lượng người ngồi đã kín xe. Nghĩ bụng đã yên vị vì có ghế ngồi, anh Thắng nhẩm tính ngủ một giấc.
Thế nhưng, chỉ đi chừng khoảng 10km, phụ xe và lái xe khách biển kiểm soát 35B-003.23 chạy tuyến Ninh Bình-Hà Nội liên tục táp vào lề đường để bắt khách. Chừng 15 phút, phụ xe lấy ghế nhựa kê dọc lối đi và nhồi khách vào vị trí đó.
“Xe khách chỉ có 29 chỗ ngồi thế nhưng nhà xe nhồi nhét tới 40 người trên xe. Dù biết giữa đường bắt xe sẽ khó có chỗ ngồi hay thậm chí là đứng, tuy nhiên nhiều người dân phải ngậm ngùi chấp nhận do ngày nghỉ lễ Tết Dương lịch này ai cũng có nhu cầu và vội vàng lên sớm để tránh ùn tắc cũng như giá rét vào tối,” anh Thăng chia sẻ.
Với tâm lý lên sớm đỡ tắc đường và hy vọng có chỗ ngồi, chờ tới 30 phút trên Quốc lộ 1, hai mẹ con chị Ngân (Phố Cà, Thanh Liên, Hà Nam) mới được lên xe. Vừa lên tới cửa, chị giật mình khi thấy xe đã đông kín người. Cũng may là bế con nhỏ, chị được phụ xe bố trí đổi chỗ ngồi cho một hành khách và ngồi sát tài xế.
“Nhiều xe khách chạy qua, thấy đồ đạc nhiều nhà xe không thèm vẫy hay bắt khách. Giá vé thì cao nhưng không ai dám than phiền. Bình thường giá vé xe về Nam Định chỉ 70.000 đồng, nhưng trong chiều nay, giá xe đều đội thêm 30.000 đồng với lý do được nhà xe đưa ra là ngày lễ, Tết. Nếu không chấp nhận mức giá này, phụ xe liền không nhận và nói thêm còn nhiều người đang chờ ở đường đến để lên xe,” chị Ngân thở dài nói.
Thậm chí, một số hành khách ở tỉnh Hà Nam khi được phụ xe cho lên cũng phải chấp nhận giá vé đồng hạng giống như đi từ Ninh Bình.
Tại bến xe Giáp Bát, các xe khách liên tục vào bến “cõng” theo một lượng lớn hành khách. Ai cũng lộ rõ vẻ mệt mỏi sau hành trình về Thủ đô để chuẩn bị cho ngày làm việc mới. Đặc biệt, các tuyến đường gần bến xe Giáp Bát, rất đông cánh tài xế xe Grab và xe ôm truyền thống đứng chèo kéo khách. Ngay dọc trục đường Giải Phóng, nhiều xe khách không vào bến mà tấp ngay sát lề đường để trả khách.
Theo lãnh đạo các bến xe, thời điểm đông khách nhất của kỳ nghỉ Tết Dương lịch sẽ rơi vào 15-19 giờ chiều ngày 3/1 và trong sáng ngày 4/1. So với ngày thường, lượng khách đổ về bến tăng khoảng 50-70% và tập trung chủ yếu ở các tuyến đường như Quảng Ninh, Thanh Hoá, Phú Thọ, Thái Bình, Lào Cai,…
“Nhân viên bến xe đã được tăng cường tại cổng bến và phối hợp với các lực lượng liên ngành Công an và Thanh tra giao thông để phân luồng phương tiện, đảm bảo giải tỏa khách một cách nhanh nhất và an toàn,” đại diện bến xe Giáp Bát cho hay.
Để tránh ùn tắc giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hà Nam phân luồng phương tiện tại nút giao Cầu Giẽ và cầu vượt Thường Tín khi yêu cầu phương tiện đi vào tuyến đường Quốc lộ 1 nhằm “chia lửa” cho đường cao tốc Ninh Bình-Pháp Vân.
Tuy nhiên, chỉ cách nút giao Pháp Vân chừng 5km, ùn tắc cục bộ đã bắt đầu xảy ra. Lượng phương tiện dồn về cùng một thời điểm khiến tuyến đường này bị quá tải. Xe xếp hàng dài, nối đuôi nhau vào cửa ngõ Thủ đô.
Càng về cuối giờ chiều, lượng phương tiện nối đuôi nhau chờ vào cửa ngõ và các bến xe mỗi lúc một đông.
Dưới đây là một số hình ảnh của phóng viên VietnamPlus ghi nhận tại bến xe khi người dân hối hả trở về Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch: