Giữa lúc nhiều người tranh cãi ‘Khán giả có nuôi nghệ sĩ?”, một số nghệ sĩ như Đen Vâu, Lý Hải nói đúng điều quý giá nhất khán giả mang lại cho họ. Không phải tiền, không phải ‘chén cơm’, mà là lòng đồng cảm.
Mấy ngày qua, bài viết của một đạo diễn sân khấu về việc “Khán giả không nuôi nghệ sĩ” và “nghệ sĩ không cần tri ân khán giả” gây nhiều tranh cãi.
Đạo diễn viết: “Xã hội luôn có sự phân công lao động nên bất cứ đóng góp của ngành nghề nào cũng được trân trọng… Vậy mà nghệ sĩ sống bằng nghề nghiệp thì phải mang ơn khán giả, phải nghĩ là được khán giả nuôi, phải tri ơn khán giả, phải quan niệm là chén cơm của mình là khán giả ban cho? Ủa, sao ngộ vậy?”.
Khán giả có thể không “nuôi” nghệ sĩ theo nghĩa đen vì đã lao động chân chính thì ai cũng tự nuôi mình, dù bằng những đồng lương ít ỏi nhất, từ những công việc gian khổ nhất. Khi kiếm tiền bằng chính sức lao động, người ta có quyền tự hào và không phải ngửa tay xin ai “chén cơm”.
Mặc dù vậy, nghệ thuật là nghề nghiệp đặc thù, không kiếm tiền kiểu “làm công ăn lương” mà phụ thuộc vào mức độ yêu thích của khán giả. Bằng chứng là những nghệ sĩ được hâm mộ nhiều nhất, đông khán giả nhất cũng giàu có bậc nhất showbiz. Với những người có hàng triệu người theo dõi trên Facebook, giá quảng cáo có thể lên đến 100 – 200 triệu mỗi bài đăng.
Nhưng vượt trên đồng tiền, nghệ sĩ luôn cần tri ân, trân trọng khán giả. Như đạo diễn Lý Hải công nhận phim thắng lớn là nhờ được “bà con thương”, còn rapper Đen Vâu gọi khán giả là “Đồng âm” vì họ là những tấm lòng đồng cảm chứ không phải vì họ “nuôi” anh.
‘Đồng âm’ của Đen Vâu, ‘bà con’ của Lý Hải
“Cảm ơn từng lượt nghe lượt chia sẻ, những bình luận giãi bày tâm tư, những bài viết của các anh chị báo đài đã làm rõ thêm tinh thần bài hát và đưa nó đến tai nhiều người nghe. Mong là Trốn tìm sẽ là phút nghỉ ngơi thư giãn và gợi lại những điều nhỏ nhắn đẹp đẽ trong lòng mọi người”.
Đó là lời Đen Vâu tri ân khán giả (những người anh gọi là “Đồng âm” viết hoa) và báo chí sau khi MV Trốn tìm ra mắt. Đây không hề là một lời cảm ơn bâng quơ mà đã nói đúng điều quý giá nhất khán giả mang lại cho nghệ sĩ: sự đồng cảm.
Bao nhiêu người xúc động vì câu rap của Đen Vâu “Niềm cô đơn của những người trưởng thành là khi muốn trốn nhưng không ai tìm” bởi nó xoáy sâu vào sự bơ vơ và lạc lõng của người ta khi lớn lên.
Trong lời nói của Đen Vâu, anh đã nhìn nhận báo chí rất công bằng: những bài báo làm rõ thêm tinh thần của tác phẩm, giúp thông điệp nhân văn của anh đến với nhiều người hơn.
Tóm lại, mối quan hệ giữa nghệ sĩ và khán giả cao quý hơn đồng tiền rất nhiều. Mỗi khi tìm được người nghệ sĩ đồng điệu, khán giả ngưỡng mộ, tri ân nghệ sĩ đó một cách xứng đáng, thậm chí tôn họ lên làm thần tượng. Và ở phía ngược lại, nói nghệ sĩ không cần tri ân khán giả là sai lầm.
Giá trị của nghệ thuật và nghệ sĩ, do đó, cũng cao quý hơn rất nhiều so với giá trị thương mại của tác phẩm. Một tác phẩm nếu xuất sắc thì có sức sống đến trăm năm, nghìn năm, truyền cảm hứng và lay động nhiều thế hệ. Và nếu được như vậy, khán giả không “nuôi” nghệ sĩ theo nghĩa đen, họ chính là hàng triệu người đã “nuôi dưỡng” sức sống trường tồn của tác phẩm, của nghệ sĩ ấy.
Tương tự Đen Vâu, đạo diễn Lý Hải cũng từng đưa ra lời giải thích giản dị cho thành tích trăm tỉ của phim Lật mặt: 48h mới đây. Anh nói ngắn gọn: “Được bà con thương, nên mới có cơ hội vượt lên chính mình, được làm tiếp Lật mặt 6 phục vụ khán giả. Mừng vui và biết ơn này không biết nói sao cho hết”.
“Được bà con thương”, ngắn gọn và chuẩn xác.
Nếu không có ý thức về tình thương đó, thì khi phim Bố già thu hơn 400 tỉ đồng, diễn viên Trấn Thành đã không phải cúi đầu cảm ơn hàng nghìn khán giả trong những chuyến giao lưu khắp các tỉnh thành.
Ca sĩ Mỹ Tâm cũng từng thốt lên với người hâm mộ: “Là người dưng, người xa lạ, vì sao các bạn lại yêu mình đến vậy?”. Đúng vậy, khán giả là người dưng, nhưng nhiều lúc lại là người thân khi trái tim họ hòa chung nhịp đập với nghệ sĩ.
Nghệ sĩ đích thực luôn trân trọng khán giả
Nghệ sĩ hãy tiếp tục đi tìm những tấm lòng như thế, thay vì nghĩ rằng khán giả chỉ mang lại tiền bạc nhất thời qua việc mua vé, xem video, mua sản phẩm.
Một phần vì thiếu tôn trọng khán giả, một số nghệ sĩ Việt Nam dính phải bê bối như thời gian qua. Họ hoặc có cách hành xử lệch chuẩn, khiến nghệ sĩ Hữu Châu phải lên tiếng cảnh báo nghệ sĩ: “Làm gì làm, đừng để người tốt đang thương yêu và trân trọng nghề hát này, họ nghĩ mình toàn là những người hung dữ. Các em, các cháu ơi!”.
Hoặc họ quảng cáo cho những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, có khả năng lừa đảo người tiêu dùng. Quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, có nguy cơ khiến người dùng “tiền mất tật mang”, người nổi tiếng đã tiếp tay cho những nhà sản xuất kiếm lợi từ đồng tiền của khán giả.
Khi làm vậy, sự trân trọng của người nổi tiếng dành cho khán giả có còn không? Nếu không còn trân trọng, họ nên ngừng tự xưng mình là nghệ sĩ.