Chương 15: Triệu Phú Thế Giới Đi Lên Như Thế
Giáo dục “hành động tích cực” của Israel
Tôi chú ý đến việc rất nhiều cha mẹ cho rằng, con cái có thành tích học tập tốt thì chẳng phải lo sau này nó không sống được trong xã hội, cho rằng con cái có thành tích học tập tốt có nghĩa là ngày sau cả nhà sẽ được nở mày nở mặt. Nói cách khác, họ cho rằng con cái “đạt thành tích học tập tốt” đồng nghĩa với việc nó có kỹ năng sinh tồn. Tất nhiên, khi con còn nhỏ thì đúng là như vậy, nhưng đến khi trưởng thành, con cái cần rời xa mái trường để thích nghi với cuộc sống thực tế, bản thân chúng sẽ gặp vô vàn khó khăn, trở ngại khi cuộc sống thực tế đòi hỏi ở chúng rất nhiều những kỹ năng khác nhau. Trong khi những kỹ năng này lại không được dạy ở bất kỳ trường học nào, như vậy, chẳng phải những đứa trẻ đó sẽ rất thua thiệt hay sao? Trong nhiều việc, đi trước một bước thì sẽ thành công. Ví dụ, Huy Huy sinh năm 1978, là điển hình của thế hệ 7x, vì nó không có cha mẹ giàu có, cũng không có họ hàng thân thích làm ông to bà lớn, nhìn vào số tuổi của nó, chẳng ai bảo nó mua được nhà ở Thượng Hải. Thế mà, nó lại mua được nhà cao cửa rộng làm người thân toại nguyện, trước năm ba mươi tuổi, nó đã trở thành triệu phú thế giới, thành thạo rất nhiều các kỹ năng chuyên nghiệp.
Huy Huy lớn lên trong nền giáo dục đa quốc gia, trải qua những thay đổi về môi trường giáo dục từ Trung Quốc đến Israel, bản tính của nó vẫn không thay đổi, nhưng tính chậm chạp và ỷ lại thì dần mất đi. Năm tháng tôi rèn, tôi nhìn thấy một cậu con trai dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, tận mắt chứng kiến nó đi lên từ một sinh viên bình thường tốt nghiệp đại học, trở thành thương nhân kinh doanh kim cương. Trong thâm tâm, Huy Huy luôn cảm phục phương pháp giáo dục sinh tồn của người Israel đã giúp nó biến ước mơ thành hiện thực.
“Con xin ngài, sau này ban cho con sự nghiệp tốt đẹp, trở thành một Yuppie thành công. Còn bây giờ, xin ngài hãy phù hộ cho con học tốt trước đã.”
Đó là lời Huy Huy viết trên một tờ giấy vào năm 1995 mà tôi vô tình phát hiện ra nó trong lúc dọn nhà. Thằng bé giấu tờ giấy gửi gắm ước mơ của mình ở dưới đế tượng Quan Âm. Lúc đó, Huy Huy vẫn đang đi học, nó hy vọng trời phật phù hộ, giúp nó thực hiện ước mơ. Quả nhiên, chưa đến ba mươi tuổi, Huy Huy đã thực hiện được ước mơ của mình, chỉ có điều những thành công ấy không phải là do Quan Âm phù hộ cho nó, cũng không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, mà là kết quả thẩm thấu lâu dài phương thức giáo dục sinh tồn của người Israel.
Trong bầu không khí giáo dục như vậy, nếu con cái của người Do Thái không mấy thông minh, chúng cũng sẽ không ngừng tìm tòi, học hỏi, rèn luyện để hiểu biết cặn kẽ về một lĩnh vực nào đó và cuối cùng đạt được thành tích cao hơn người khác một bậc, bao gồm cả phương diện học tập. Thành tích học tập của đại đa số học sinh Do Thái đều rất tốt, có một điểm rất quan trọng là các em học sinh bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm, kỹ năng quản lý bản thân, sống tích cực và làm việc hiệu quả ngay trong quá trình hun đúc, giáo dục sinh tồn.
Ngày trước ở Thượng Hải, Huy Huy không thích nêu câu hỏi trong giờ học, gặp vấn đề khó hiểu, nó chỉ tìm hiểu qua loa cho xong chuyện, chứ không đào sâu tận gốc. Từ khi đến Israel, Huy Huy thấy các bạn trong lớp coi việc trao đổi bài vở với thầy cô giáo là một cách hưởng thụ, nên nó cũng ngồi không yên. Nó muốn hỏi thầy cô nhưng vẫn còn hơi nhút nhát, không dám mở miệng. Và thế là hai mẹ con tôi cùng nhau lên kế hoạch cụ thể hóa một mục tiêu rất thực tế: Mỗi ngày lên lớp, Huy Huy phải giơ tay phát biểu hai lần, nếu kiên trì thực hiện một tuần thì sẽ có thưởng. Sau khi đạt được mục tiêu này, tôi lại cùng Huy Huy đặt ra một mục tiêu cao hơn, mỗi tiết học đều phải giơ tay ít nhất một lần. Sau hai tháng, thầy giáo của nó nhận xét, trên lớp Huy Huy tích cực phát biểu. Còn Huy Huy cũng nói với tôi: “Thì ra, làm rõ những thứ mình chưa hiểu thật thú vị.”
Đến khi Huy Huy trở lại Thượng Hải học đại học, tôi không phải căn dặn thằng bé chuyện này nữa, nó đã coi việc nêu câu hỏi với giảng viên là một bài học bắt buộc. Thằng bé học chuyên ngành tiếng Anh, nó thường viết những vấn đề chưa hiểu rõ vào cuốn sổ tay của mình, mỗi lần lên lớp chỉ hỏi thầy cô một câu. Như vậy là nó đã giành được sự quan tâm, ưu ái của thầy cô, nó càng ngày càng nắm vững các kỹ năng cơ bản về ngoại ngữ. Trong khi đó, rất nhiều bạn học của nó ngại hỏi thầy cô, có sinh viên sợ thầy cô đánh giá mình là đứa ngu dốt, có sinh viên lại lo thầy cô từ chối khéo. Huy Huy nhà tôi không có những gánh nặng tư tưởng này, vì giáo dục “hành động tích cực” của người Isarel giúp nó biết ung dung đối mặt với những áp lực tâm lý.
Mạng lưới quan hệ không phải là miếng bánh béo bở từ trên trời rơi xuống, nó đòi hỏi bạn phải vun vén và giữ gìn qua năm tháng. Về phương diện này, đích xác là Huy Huy đã học được tinh hoa trong phép xã giao của người Do Thái. Nhờ những màn diễn kịch tập luyện cách thức đối nhân xử thế từ thuở nhỏ mà sau này nó rất chủ động trong giao tiếp, ứng xử. Trong quá trình tôi luyện ở bên ngoài, nó còn biết thiết lập mạng lưới xã giao của mình. Ở thành phố Kiryat Shmona, nơi chúng tôi cư trú, mọi người gọi thằng bé là “đại sứ ngoại giao.” Được dân Do Thái trao cho biệt hiệu “đại sứ ngoại giao” quả là cực kỳ khó. Chúng ta cần phải biết rằng, kỹ năng giao tiếp của người Do Thái được cả thế giới công nhận, vì họ phân bố rải rác ở các nơi trên thế giới, cho nên họ coi mối quan hệ giữa người với người là nhân tố tiên quyết dẫn đến thành công.
Cũng nhờ những mối quan hệ tốt đẹp, Huy Huy giảm được không ít phiền muộn và luôn nắm bắt được những cơ hội tốt. Ví dụ về việc đẩy mạnh tiêu thụ nem rán, ở trường học Huy Huy quan hệ với bạn bè rất tốt, chính vì vậy, bạn học thường chủ động giúp nó bán hàng. Có hôm, một bạn học bảo Huy Huy là hàng xóm nhà cậu bé sắp mở bữa tiệc lớn trong vườn, thằng bé hỏi: “Huy Huy có muốn cung cấp nem rán cho nhà đó không?” Huy Huy trả lời: “Đương nhiên là có chứ.” Thế là, thằng bé dẫn Huy Huy đến nhà xóm của mình, hỏi trực tiếp. Cô chủ nhà nếm thử các loại nem rán Huy Huy mang đến, cảm thấy nem rán rất phù hợp làm món tráng miệng cho buổi tối, hơn nữa cô ấy cũng có ấn tượng rất tốt đối với lời giới thiệu của Huy Huy về món ăn bình dân của Trung Quốc, nên đặt ngay một trăm cái nem rán vị sô-cô-la và phô mai.
Mấy ngày sau bữa tiệc, Huy Huy lại đến thăm cô chủ nhà, hỏi cô ấy có cảm nhận như thế nào về hương vị nem rán tối hôm đó. Cô ấy nói: “Đúng lúc cô đang muốn liên hệ với cháu, món nem rán hôm đó làm tăng thêm hương vị Trung Quốc cho bữa tiệc của cô, cô nhận được rất nhiều lời khen từ khách mời. Tuần tới, một người bạn của cô cũng mở tiệc, cô ấy nhờ cô đặt một trăm cái nem rán tương tự như lần trước ở chỗ cháu.” Vậy là, Huy Huy mới mười tuổi đã biết mở rộng mạng lưới khách hàng của mình, thật sự rất đáng khen.
Huy Huy có được thành công như ngày hôm nay, vì nó làm việc nghiêm túc, không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào. Cho dù là xin nhân viên quản lý chợ chừa lại cho nó một vị trí nhỏ hay là việc mở chuyên mục riêng cho nó trên một tờ báo của Israel. Hồi học đại học ở Thượng Hải, tuy học chuyên ngành ngoại ngữ nhưng có thời gian là nó lại đến các buổi triển lãm trang phục Thượng Hải, triển lãm nội thất, xem mình có học hỏi được điều gì hay không. Có khi nó làm phiên dịch, có khi phân phát tài liệu, hoặc đưa ra đề nghị: “Nếu ngài muốn ở lại Thượng Hải vài ngày, có thể tôi sẽ giúp được ngài.”
Huy Huy luôn động viên tôi: “Mẹ ạ, tham gia các buổi triển lãm cũng là một cách tìm kiếm cơ hội.”
Huy Huy không phải là đứa có tham vọng viển vông, nó biết lấy mạng lưới quan hệ làm bàn đạp.
Huy Huy được nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Israel rất coi trọng
Tôi bổ sung thêm một chi tiết ý nghĩa nữa, đó là người Do Thái coi ngoại ngữ là môn học quan trọng nhất bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp của con trẻ. Trong quá trình hình thành và phát triển, dân tộc Do Thái đã sớm nhận ra sự khác biệt về ngôn ngữ là trở ngại giao lưu văn hóa. Vì vậy, mỗi người dân đều đặt ra yêu cầu khắt khe đối với bản thân mình là cần phải thông thạo một, hai ngoại ngữ, điều đó giúp họ nắm bắt được các cơ hội trong hoạt động thương mại đa quốc gia. Trẻ em Do Thái tích cực học ngoại ngữ vì chúng tin rằng: “Biết nói một vài ngoại ngữ tức là bạn có một vài giá trị cá nhân.”
Tỷ lệ người dân biết nói những ngoại ngữ phổ biến ở đất nước Israel đứng hàng đầu thế giới. Hồi Huy Huy còn ở Thượng Hải, nó chỉ biết một ngoại ngữ duy nhất là tiếng Anh. Sau này đến Israel, thằng bé mới vỡ lẽ, thì ra mình biết quá ít ngoại ngữ. Trong quá trình tiếp xúc với người Do Thái, Huy Huy nhận thấy họ thường biết ba đến bốn ngoại ngữ. Như Maya, bạn học người Do Thái là di dân từ Thụy Sỹ tới, biết nói tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Anh và một thứ tiếng miền núi được sử dụng phổ biến ở Thụy Sỹ. Este, một bạn học khác người Do Thái, đến từ Thụy Điển, biết nói lưu loát tiếng Thụy Điển, tiếng Đức, tiếng Anh và tiếng Idris. Huy Huy có tố chất về ngôn ngữ lại chịu khó thức khuya dậy sớm, nỗ lực học tập, nên trình độ tiếng Hebrew và tiếng Anh của nó cũng tiến bộ vượt bậc.
Không ngờ có một ngày, kỹ năng ngoại ngữ thuần thục mang lại cho Huy Huy một cơ hội bất ngờ, khiến nguyên Bộ trưởng Quốc phòng của Israel rất xem trọng.
Tối hôm ấy, Huy Huy làm thêm ở nhà hàng, nó nhiệt tình chào hỏi mấy vị khách vừa bước vào cửa bằng tiếng Hebrew lưu loát: “Chào buổi tối, hoan nghênh quý khách ghé thăm nhà hàng! Xin hỏi các vị cần gì?”
Trong sáu vị khách vừa bước vào nhà hàng, có ba người đàn ông và ba người phụ nữ, trong đó có một vị mặc quân phục. Sau màn chào hỏi, một người phụ nữ ngẩng đầu lên quan sát Huy Huy, bà ấy hỏi thằng bé: “Làm sao cháu có thể nói tiếng Hebrew giỏi như vậy?”
Khi nắm vững một ngoại ngữ, không những chúng ta có thêm khả năng diễn đạt bằng một ngôn ngữ khác, mà nó còn ảnh hưởng tới cách tư duy, thậm chí làm thay đổi tính cách con người. Vì sự khác biệt về ngôn ngữ không chỉ thể hiện ở từ đơn, quan trọng hơn là phương thức biểu đạt không giống nhau.
“Cháu là người nước nào? Tại sao lại đến Israel?” Một vị khách khác đi cùng đoàn tỏ ra hiếu kỳ, hỏi Huy Huy.
Người Israel rất hiếu kỳ về người phương Đông, nhưng họ thường không phân biệt được người Trung Quốc, người Nhật Bản và người Hàn Quốc.
“Cháu là người Trung Quốc, cháu sắp nhập ngũ ở Israel ạ!” Huy Huy lễ phép thưa.
“Nhập ngũ ở Israel?”
Sau khi nghe Huy Huy giới thiệu xong về bản thân, một vị khách bàn đó lập tức hỏi: “Cháu muốn làm việc ở Bộ Quốc phòng không?”
“Cháu muốn gia nhập Không quân hoặc Cục tình báo cơ ạ.” Vào Cục tình báo là ước mơ bấy lâu nay của Huy Huy.
“Anh hãy ghi lại số chứng minh nhân dân, họ tên và thời gian nhập ngũ của cậu ta.” Vị khách này căn dặn người mặc quân phục ngồi bên cạnh. Đợi Huy Huy đọc xong số chứng minh nhân dân của mình, ông quay người vỗ vai động viên thằng bé: “Chàng trai, ước mơ của cháu sẽ trở thành hiện thực”.
Nhưng, Huy Huy không để tâm đến chuyện này, dù sao đây cũng chỉ là một cuộc gặp gỡ tình cờ trong cuộc sống.
Ngờ đâu, mấy tháng sau, Huy Huy nhận được giấy báo nhập ngũ, mở ra xem, nó ngỡ ngàng là Cục Tình báo. Lúc này, nó mới chợt nhớ ra cuộc gặp với mấy vị khách ở nhà hàng hôm ấy. Nó tả lại quân hàm của người mặc quân phục cho Dĩ Hoa, Dĩ Hoa tròn mắt kinh ngạc: “Ông ấy là trung tướng. Chỉ có Tổng Tham mưu trưởng chỉ huy lục quân, hải quân và không quân mới được làm trung tướng đấy.” Huy Huy tiếp tục miêu tả người mặc áo đen, Dĩ Hoa khẳng định chắc nịch: “Ông ấy là Bộ trưởng Quốc phòng!”
Những thành công Huy Huy đạt được trong sự nghiệp sau này cũng là nhờ vào kỹ năng ngoại ngữ. Sự tự tin về ngôn ngữ khiến người khác khó có thể hoài nghi năng lực, ưu thế của nó, và cũng chính điều này đã giúp thằng bé kết giao với ông chủ của một công ty kim cương cao cấp ở Israel. Về sau, Huy Huy nắm bắt cơ hội mở nghiệp vụ bán lẻ kim cương ở Trung Quốc, sáng lập một thương hiệu hoàn toàn mới. Dòng sản phẩm mới được tiêu thụ mạnh ở trong nước nâng mức tiêu thụ kim cương của Trung Quốc vượt qua mức tiêu thụ kim cương của Mỹ, trở thành nước tiêu thụ kim cương hàng đầu thế giới. Một lần nữa, Huy Huy lại chứng minh cho mọi người thấy nó có con mắt tinh tường, đồng thời chứng minh niềm tin vào giáo dục ngôn ngữ của người Do Thái là hoàn toàn đúng đắn: “Biết nói một vài ngoại ngữ tức là bạn có một vài giá trị cá nhân”.
Từ một sinh viên bình thường đến thương nhân kim cương thế giới
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Huy Huy chủ động gọi điện thoại chào hỏi ông chủ công ty kim cương ở Israel mà trước đây nó từng làm phiên dịch giúp ông ta. Rất ít phụ huynh Do Thái đi xin việc cho con cái giống như phụ huynh Trung Quốc, họ dạy con em mình từ nhỏ là bản thân con có thể tự làm mọi việc. Có thể con đường bọn trẻ chọn sẽ trải đầy chông gai, thậm chí chúng có thể rơi vào thất bại bất kỳ lúc nào, nhưng cảm giác vui vẻ và tự tin vào mỗi bước chân của chúng đều in dấu trên con đường đi đến mục tiêu chính là nguồn gốc quan trọng xây dựng nên niềm tin và giá trị bản thân của mỗi người. Cũng chính kỹ năng ấy sẽ khiến con trẻ luôn tràn đầy tự tin, kiên định đi tới ước mơ của mình.
Trong điện thoại, ông chủ công ty kim cương hẹn Huy Huy ngày hôm sau tới trung tâm kim cương. Trong lòng Huy Huy rất phấn khởi, nhưng nó vẫn điềm tĩnh bảo tôi: “Có lẽ đây là một cơ hội tốt cho con, con sẽ cố gắng. Nhưng nếu con không được nhận thì cũng coi như là một lần rèn luyện, mở rộng tầm mắt mẹ ạ.”
Israel được vinh danh là “thủ đô kim cương của thế giới.” Mặc dù Israel không có nguồn tài nguyên kim cương, nhưng dựa vào kỹ thuật cắt, đánh bóng và gia công kim cương lâu đời nổi tiếng trên thế giới, kim cương đã trở thành ngành công nghiệp trụ cột của nền kinh tế nước này. Israel hiện chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch thương mại ngành kim cương toàn thế giới. Ramat Gan, trung tâm kim cương nằm ở phía Đông Tel Aviv, là nơi giao dịch kim cương và là trụ sở của trung tâm nghiên cứu phát triển kỹ thuật ngành công nghiệp kim cương của Israel. Ramat Gan cùng với Antwerp của Bỉ, New York của Mỹ và Mumbai của Ấn Độ là bốn trung tâm giao dịch kim cương lớn nhất thế giới. Ramat Gan tập trung 2.500 nhà máy, hiệu buôn kim cương, thật xứng với tên gọi thủ đô kim cương của Israel và cũng là trung tâm của ngành công nghiệp kim cương thế giới.
Thương nhân Do Thái tôn sùng nguyên tắc kinh doanh 78:22. Tỷ lệ giữa khí ni tơ và ô xy trong tự nhiên là 78:22; tỷ lệ giữa hàm lượng nước và các vật chất khác trong cơ thể là 78:22; tỷ lệ giữa đường tròn nội tiếp của hình vuông và các phần khác cũng là 78:22. Người Do Thái cho rằng, 78:22 là quy luật vũ trụ, không thể chống lại, cho nên họ làm ăn theo nguyên tắc này. Họ cho rằng 22% người giàu trên thế giới đang nắm giữ 78% của cải xã hội, bởi vậy nên họ muốn kiếm tiền từ 22% dân số sở hữu 78% tài sản thế giới, mà kim cương là một trong những mặt hàng ưa chuộng nhất của 22% dân số đó. Kim cương (Jewel) có nghĩa là kim cương của người Do Thái (Jew).
Trước khi tới thành phố kim cương Ramat Gan, Huy Huy đi mua một bộ âu phục sang trọng, lúc đến công ty thì ông chủ đang bàn dở công chuyện với mấy người khác trong phòng làm việc, nhìn thấy Huy Huy bước vào, ông ta lên tiếng: “Cậu đến thật đúng lúc, phiền cậu ghi chép lại các số liệu chúng tôi nói.”
Ghi chép sổ sách không được coi là việc phức tạp, hơn nữa Huy Huy đã được rèn luyện theo nguyên tắc có làm có hưởng trong gia đình, bản thân lại từng đi bán hàng rong, nên khi các vị lãnh đạo nói đến các khoản nợ, nó vừa nghe đã hiểu liền, ghi lại rất rõ ràng.
Trước lúc ra về, ông chủ bảo Huy Huy: “Ngày mai nếu cậu không bận thì lại tới đây một chuyến nhé.”
Như đã hẹn, hôm sau Huy Huy lại đến, ông chủ vẫn bảo nó ghi chép sổ sách, làm liên tục trong ba ngày, Huy Huy luôn hoàn thành xuất sắc công việc được giao. Từ nhỏ, đầu óc nó giống như cái máy vi tính, nó chẳng những có thành tích học môn toán đứng đầu lớp, mà khả năng quan sát và ghi nhớ cũng rất tốt, những thứ nó từng nhìn qua đều được lập trình trong đầu.
“Chàng trai, cậu ghi chép rất tốt, rất rõ ràng và không sai sót.” Ông chủ vừa nói vừa đưa cho Huy Huy một tờ giấy, “Cậu xem có giải được bài toán này không?” Huy Huy có tố chất tâm lý vững vàng, chỉ tốn một vài phút nó đã làm xong.
“Cậu có hứng thú làm việc ở chỗ chúng tôi không?” Ông chủ mỉm cười hỏi Huy Huy.
Kim cương là một ngành đòi hỏi trình độ cao, nên lính mới rất khó bước vào nghề, Huy Huy đã chờ cơ hội này từ lâu, nó nhận lời: “Tôi sẵn lòng làm việc ở đây. Xin ngài yên tâm, tôi sẽ làm việc siêng năng, chăm chỉ”.
Nói được làm được, Huy Huy thường xuyên làm việc tới khuya, sau khi rời cơ quan, nó phải đi bộ một quãng đường dài mới về đến chỗ ở. Ngủ được một vài tiếng, nó lại bật dậy, đi nhờ xe đến trung tâm kim cương. Không lâu sau, nhờ sự siêng năng, chăm chỉ và phẩm chất đạo đức tốt, Huy Huy nhận được sự tín nhiệm của ông chủ, ông ấy cho nó được toại nguyện ngồi trước một đống kim cương và học cách phân loại. Đó là con đường tất yếu để trở thành thương nhân kim cương.
Cơ hội luôn dành cho những cái đầu biết chuẩn bị, những bài học về giám định châu báu thời đại học giúp ích cho Huy Huy rất nhiều trong công việc mới, nó nhanh chóng làm quen với công việc phân loại kim cương, miêu tả sản phẩm mới và gọi điện tìm kiếm khách hàng ở khắp nơi.
Phân loại kim cương là công việc cực kỳ hao phí tinh thần và sức lực, nó đòi hỏi người làm phải có một tâm hồn khác với người thường, phải phân biệt được đâu là kim cương có giấy chứng nhận thật mang giá trị cực kỳ cao, đâu là kim cương giả hoặc là sản phẩm gia công, đồng thời phải nhìn ra những lỗ hổng hay tì vết nhỏ như mũi kim của kim cương. Phiền phức hơn là, nhiều khi có những hạt bụi li ti bám vào bề mặt kim cương, chỉ hiện rõ trên kính hiển vi nên mắt thường rất khó nhận ra.
Để trở thành một người chuyên nghiệp trong lĩnh vực kim cương, mọi người khó có thể hình dung được sự nỗ lực mà Huy Huy đã bỏ ra, nó trân trọng mỗi một cơ hội đến với mình và nỗ lực vượt qua từng thử thách đầy áp lực. Đầu tiên, nó đổ túi kim cương ra một cái bàn dài giống như bàn học sinh, đặt đèn bàn có độ sáng cao và một cái cân nhỏ lên đó. Nó đeo kính lúp chuyên dụng, dùng kẹp nhỏ nhẹ nhàng gắp kim cương để dưới ánh đèn, quan sát cẩn thận kỹ lưỡng, phân loại kim cương theo cấp bậc, rồi hỏi ý kiến ông chủ để nghiệm thu. Sau đó, nó lại trộn lẫn toàn bộ số kim cương vào nhau, phân loại lại lần nữa, lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy nhằm kiểm chứng năng lực của bản thân. Mỗi khi các vị triệu phú gây dựng cơ đồ từ hai bàn tay trắng nhớ lại khoản tiền đầu tiên tự mình kiếm được, họ đều cảm thấy chua xót. Huy Huy cũng không phải là ngoại lệ. Nó thường nói, tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời, có lẽ không phải là đứng ở một ngưỡng cửa, mà quan trọng là sau khi bước vào ngưỡng cửa đó, bạn phải đánh đổi sự nỗ lực và chuyên tâm của mình để đi đến mục tiêu sau cùng.
Tôi chia sẻ bí quyết thành công của Huy Huy từ một sinh viên đại học bình thường đến chàng trai Do Thái sáng giá nhất vùng Thượng Hải, tiếp đó trở thành triệu phú trên thế giới khi còn rất trẻ, không nhằm mục đích thôi thúc các bậc cha mẹ dồn hết tâm sức vào việc đào tạo con cái mình trở thành triệu phú, tôi chỉ muốn mọi người hiểu rằng, yêu con không phải là xem bạn cho con ăn sung mặc sướng thế nào, mà phải xem bạn có thể phát huy kỹ năng và tố chất sinh tồn của con như thế nào. Chỉ riêng chuyện cha mẹ mua nhà, mua xe cho con cái cũng làm chúng thiếu ý chí phấn đấu những mấy năm trời. Các bậc cha mẹ chưa hiểu đúng về kỹ năng tự chủ, không cảm nhận được việc lập nghiệp là điều hạnh phúc nhường nào, tự tích lũy là sự vui vẻ nhường nào, trên thực tế họ đã tước mất sức chiến đấu của con trẻ.
Mọi người thường nói “con nhà nghèo sớm biết lo liệu việc nhà”, nhưng nay lại có người nói rằng, trẻ em bây giờ không cần mó vào việc nhà vì điều kiện sống quá tốt. Thật ra, trẻ xuất thân trong gia đình nghèo khổ chưa chắc sẽ có tiền đồ, còn trẻ xuất thân trong gia đình giàu có cũng không hẳn là đồ vô tích sự, mấu chốt ở đây là phụ huynh dẫn dắt con em mình ra sao, vận dụng sự hiểu biết của mình như thế nào.
Mấy năm gần đây, ở Trung Quốc thịnh hành trào lưu “giáo dục tố chất”, tiếc là đa phần các vị phụ huynh lại thường nghĩ rằng cho con cái học đủ các môn như âm nhạc, mỹ thuật, võ thuật, vũ đạo, thư pháp, vv… nghĩa là con cái họ đang được giáo dục tố chất một cách toàn diện. Họ hoàn toàn coi nhẹ kỹ năng đối nhân xử thế, xác lập tọa độ giá trị, phẩm chất đạo đức, sự hiểu biết tương quan giữa mối quan hệ tri thức và nghề nghiệp, lý tưởng sống cùng với khả năng thay đổi thực tiễn của con em mình. Những yếu tố đó mới thật sự là nội hàm của “giáo dục tố chất”, đồng thời cũng là tố chất cần thiết nhất để cho con trẻ thi thố ngoài xã hội. Còn các trường trọng điểm hay các lớp học phụ đạo cao cấp đều không có nghĩa vụ và cũng không có thời gian và công sức đâu để đào tạo những tố chất này cho bọn trẻ, chỉ có đôi bàn tay đưa nôi của người cha người mẹ mới có thể đem đến cho con món quà trưởng thành.
Cha mẹ cho con cái học tiếng Anh, học đàn tranh, học múa, học cờ vây thì chúng sẽ có tiền đồ? Khi nghe các bậc phụ huynh nói một cách hãnh diện về điểm số của con em mình, tôi chẳng biết nói gì, họ hoàn toàn không để ý đến thực trạng rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng chưa có đủ kỹ năng sinh tồn, thiếu kỹ năng quản lý tài sản, tâm trạng giống như “gia tộc dâu tây”, nên chỉ biết ăn bám cha mẹ. Đó thật sự không phải là lỗi ở con cái, mà là lỗi ở những người làm cha làm mẹ không giáo dục tố chất gia đình khoa học, nền nếp và hiểu biết cho những đứa con như thế này, để đến khi rời xa mái trường, chúng ngã ngay ở vạch xuất phát.
Cha mẹ là những người chịu khó, giàu đức hy sinh, vô tư và cam chịu nhất trên đời, nhưng xét trên khía cạnh giáo dục gia đình, sự yêu thương ở đây không chỉ là hao tốn thể lực, tâm lực và tài lực, mà quan trọng hơn phải xuất phát từ quan niệm! Quan niệm sai lầm sẽ dẫn đến kết cục thất bại. Để không phụ lại thiên chức làm cha làm mẹ, chúng ta hãy bắt đầu thay đổi quan niệm giáo dục con cái. Cơ hội luôn thuộc về người sớm có sự chuẩn bị, tương lai của con được mở ra từ ngày chúng ta thay đổi quan niệm giáo dục của mình!
One thought on “Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương (Chương 15)”